Bộ môn Quản lý Tài nguyên và Môi trường
Tổng quan
Trong bối cảnh quá trình đô thị hóa, công nghiệp hóa đất nước đòi hỏi khai thác ồ ạt nguồn tài nguyên thiên nhiên đã nảy sinh hàng loạt các biến động môi trường. Nguồn nước mặt, nước ngầm, tài nguyên khoáng sản, tài nguyên rừng, tài nguyên đất đai… suy giảm mạnh do khai thác quá mức; môi trường nhiều nơi bị ô nhiễm, suy thoái nặng do gia tăng nguồn thải; biến đổi khí hậu làm mực nước biển dâng và gây nhiều ảnh hưởng tiêu cực khác. Đây là những thách thức lớn mà chúng ta phải đương đầu hiện nay và trong nhiều năm tới. Trước tình hình trên, nhu cầu của xã hội về một đội ngũ có trình độ cao, chuyên môn sâu về quản lý tài nguyên và môi trường là hết sức cần thiết.
Bộ môn Quản lý Tài nguyên và Môi trường được thành lập theo quyết định số 2639/QĐ–ĐHAG của Hiệu trưởng Trường Đại học An Giang ngày 30/12/2017 từ Bộ môn Môi trường và Phát triển bền vững. Bộ môn Quản lý Tài nguyên và Môi trường có chức năng đào tạo, nghiên cứu, chuyển giao công nghệ và phục vụ cộng đồng trong lĩnh vực quản lý và khoa học môi trường nhằm đáp ứng nhu cầu phát triển bền vững của tỉnh An Giang, khu vực Đồng bằng sông Cửu Long và quốc gia.
Bắt đầu từ năm học 2012-2013 ngành Quản lý Tài nguyên và Môi trường, được tổ chức đào tạo tại Trường Đại học An Giang đã góp phần đáp ứng nguồn nhân lực có trình độ chuyên môn cao trong lĩnh vực quản lý tài nguyên, môi trường góp phần bổ sung nguồn nhân lực cho tỉnh An Giang, vùng Đồng bằng sông Cửu Long và các khu vực lân cận.
Chương trình đạo tạo chú trọng đến thực hành và ứng dụng vào thực tế. Nhà trường được trang bị đầy đủ phòng thí nghiệm phục vụ cho việc học tập và nghiên cứu. Ngoài ra, Bộ môn còn tăng cường các khóa tập huấn ngắn hạn nhằm góp phần phổ biến kiến thức về môi trường cho khu vực.
Trong nghiên cứu khoa học, Bộ môn luôn không ngừng phát huy khả năng nghiên cứu của các giảng viên. Các chương trình nâng cao kỹ năng nghiên cứu cho giảng viên và sinh viên luôn được quan tâm và thực hiện.
Định hướng nghiên cứu
Thực hiện các nghiên cứu cơ bản và ứng dụng và chuyển giao công nghệ trong một số lĩnh vực, bao gồm:
Giáo dục môi trường: Áp dụng các cách thức và triển khai tập huấn nhằm nâng cao nhận thức bảo vệ môi trường của cộng đồng đặc biệt là người dân sống ở nông thôn và trẻ em. Hình thành trang web giáo dục môi trường trên mạng của trường.
Chính sách môi trường: Xây dựng chính sách môi trường cho các cơ quan, tổ chức nhằm thực hiện tốt vệ sinh môi trường, tạo cảnh quan và hình tượng tốt. Đồng thời, hỗ trợ trong việc xây dựng các tiêu chuẩn chất lượng.
Hệ thống quản lý môi trường: Xây dựng một hệ thống quản lý môi trường nhằm đạt đến mục tiêu bảo vệ môi trường, phát triển kinh tế cho cơ quan, công ty hay ở cấp phường, xã, huyện, tỉnh,…
Quan trắc môi trường: Xây dựng quy trình quan trắc và đo đạc, theo dõi, kiểm tra, dự báo, đánh giá các mức độ gây ô nhiễm môi trường nhằm xử lý kịp thời các tác động xấu đến môi trường.
Đánh giá vòng đời sản phẩm: Đánh giá vòng đời của sản phẩm “từ lúc nằm nôi cho đến khi xuống mồ” từ đó phát hiện các các giai đoạn gây ô nhiễm môi trường, các giai đoạn cần cải thiện các sản phẩm để đạt hiệu quả về chất lượng sản phẩm.
Sản xuất sạch hơn: Tiết kiệm các loại nguyên liệu đưa vào và tạo ra sản phẩm chất lượng nhưng ít tạo ra chất thải gây ô nhiễm môi trường, tiết kiệm chi phí trong quá trình sản xuất.
Đánh giá tác động môi trường: Đánh giá các tác động môi trường đối với các hoạt động sản xuất, các dự án nhằm có thể biết được các tác động tích cực và tiêu cực hỗ trợ trong việc đề ra các giải pháp bảo vệ môi trường.
Quản lý tài nguyên thiên nhiên trên cơ sở phát triển cộng đồng: Phối hợp nghiên cứu quản lý tài nguyên thiên nhiên trên cơ sở tham khảo ý kiến của cộng đồng, hỗ trợ cộng đồng phát triển.
GIS trong quản lý môi trường: Ứng dụng các công cụ phân tích dựa trên hệ thống thông tin địa lý để quy hoạch quản lý môi trường, dự báo sự cố môi trường, vấn đề phát tán ô nhiễm nước, không khí,…Đồng thời hỗ trợ trong quá trình quản lý theo dõi những vấn đề môi trường.
Kinh tế môi trường: Phân tính hiệu quả kinh tế hay lợi ích chi phí để đánh giá các tác động môi trường, phân tích hiệu quả kinh tế của các mô hình sử dụng tài nguyên thiên nhiên. Phân tích tính khả thi của việc áp dụng các giải pháp kỹ thuật và quản lý môi trường.
Sinh thái môi trường ứng dụng: Vận dụng các đặc điểm trong lĩnh vực sinh thái học để thiết kế các hệ thống xử lý các chất ô nhiễm. Ngoài ra, áp dụng việc phân loại sinh thái trong quản lý môi trường, bảo vệ và sử dụng tài nguyên thiên nhiên hợp lý.
Cảnh quan ứng dụng: Áp dụng nghiên cứu về cảnh quan ứng dụng trong hạn chế ô nhiễm môi trường, làm đẹp cảnh quan đô thị các cơ quan, xây dựng các khu sinh thái và du lịch.
Xã hội học môi trường ứng dụng: Nghiên cứu bảo vệ môi trường khía cạnh vận dụng xã hội học.
Phát triển bền vững: Phối hợp nghiên cứu các lĩnh vực có liên quan đến phát triển bền vững. Trong đó, đặc biệt quan tâm đến nghiên cứu về đa mục tiêu.
Danh sách giảng viên
Danh sách Giảng viên tham gia giảng dạy cho bộ môn